Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Ân Thi, UBND xã thông báo tới toàn thể nhân dân về việc hưởng ứng Ngày chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên, huyện Ân Thi và Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2024.
I. Ý nghĩa của Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân và có khoảng 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày Chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa: Góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của Đất nước. Với quan điểm chuyển đổi số để giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống, chuyển đổi số “vị” nhân sinh, thì tinh thần xuyên suốt là ngày nào cũng là ngày chuyển đổi số, vì cuộc sống tiếp diễn liên tục, không ngừng đặt ra những vấn đề mới. Vì thế, Ngày Chuyển đổi số quốc gia còn là ngày mà mỗi cá nhân, tổ chức dừng lại một chút để cảm nhận về những gì còn chưa làm được, về những gì đã làm được, về quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển. Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại.
Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số; năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số; năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đối số quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đối số quốc gia với ý nghĩa số 1 và 0 là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số; gắn với chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
II. Các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số
Chủ đề năm 2024: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Nội dung trọng tâm: Tập trung thúc đẩy, phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.
1. Tiếp tục triển khai thực hiện cấp mã định danh điện tử mức độ 2
Công an xã chủ động phối hợp với Công an huyện tiếp tục triển khai cấp mã định danh điện tử mức độ 2 cho người dân trên địa bàn xã, đảm bảo trên 80% người dân trưởng thành trên địa bàn xã được cấp mã định danh điện tử mức độ 2 và được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID trên thiết bị di động.
2. Thúc đẩy đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số
Tăng cường hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa. Hỗ trợ người dân sử dụng, cài đặt chữ ký số, sử dụng chữ ký số khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
3. Phối hợp nhân rộng mô hình chuyển đổi số trường học
Các khối trường phối hợp triển khai xây dựng kho học liệu số; tổ chức khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng, các học liệu điện tử hỗ trợ dạy và học; ứng dụng hỗ trợ nộp học phí không dùng tiền mặt; kỹ năng cơ bản sử dụng mạng an toàn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường.
4. Thúc đẩy đưa các sản phẩm OCOP giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử
Kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
5. Thúc đẩy sử dụng ngân hàng số
Các tầng lớp nhân dân tích cực tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như thực hiện thanh toán bằng cách quét mã trên ứng dụng ngân hàng số để được tặng các mã giảm giá; tích điểm khách hàng thân thiết khi có giao dịch thanh toán trên ứng dụng số…
Đoàn thanh niên xã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng hỗ trợ các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã gắn mã QR-Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi có giao dịch mua, bán.
6. Đẩy mạnh mua sắm trực tuyến
Tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, thanh toán các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, không dùng tiền mặt.
7. Tổ chức ra quân “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”
Đoàn thanh niên CSHCM xã, Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn thực hiện hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, không dùng tiền mặt; sử dụng các dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số; kỹ năng an toàn trên môi trường số.
Công chức Văn hóa xã hội xã Đa Lộc